8 tháng 7, 2017

họ đàn họ hát, họ đánh bài “đô-mi-nô”, v.v… (1975)

Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng.  Chế độ cũ đã bị xóa bỏ.  Cách mạng, như một luồng gió mát thổi vào cuộc sống tối tăm nghẹt thở của người dân Sài Gòn …

Nhưng tàn tích của lối sống phi lao động, phi sản xuất, ăn bám, lối sống vội vàng, chụp giựt, đồi trụy … vẫn chưa dễ một sớm một chiều quét sạch được …

Một trong những tàn tích đó là những quán “cà phê ôm, bia ôm” mấy lúc gần đây nhan nhản mọc ra, choán nhiều vĩa hè thành phố. …

Từ sau ngày giải phóng, các vỉa hè đường phố Sài Gòn bị tràn ngập bởi vô số quán lều và những thứ hàng hóa bày bán ngổn ngang làm nghẽn lối lưu thông ở một vào đoạn đường, như khu chợ trời vùng Chợ Cũ Sài Gòn, vùng Ngã Bả Chợ Lớn, v.v… Người Sài Gòn gọi đó là một hiện tượng xô bồ… xô bồ gần như cùng khắp.

Trong cái xô bồ hỗn tạp này, người ta thấy có rất đông đảo quán “bia ôm” xuất hiện nhanh như nấm gặp mưa trên các vỉa hè đường Gia Long, Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng, Pasteur, Công Lý, Duy Tân, Tự Do, v.v…

Đối với loại quán “dã chiến” này, người ta thấy có ba loại: một số rất ít của anh chị sinh viên, còn thì đại đa số đều là những tay “chuyên môn” tức của các cô gái bán “ba” và gái “nhảy.”

Ban này, dạo qua khu vực quán lều “bia ôm” này, người ta thấy lòe loẹt đủ màu sắc của những chiếc dù nhà binh Mỹ, của các loại hoa híp-py dán lên tường, lên bàn ghế, quầy hàng, của những cái mẹt sơn phết loang lỗ về tên quán như: Cõi Tạm, Nhớ Quên, Uyên Ương, Lim Dim, Ru, Mộng, Chạy v.v… đong đưa trước gió.  Những cái tên làm cho thanh niên, thiếu niên rã rượi chán đời (?) xa lánh, tách rời cuộc sống hiện thực.

Để cho quán có vẻ nên thơ mộng mị, họ thi nhau hát những bản nhạc đồi trụy, lai căng của chế độ cũ, họ treo lủng lẳng những cây đàn ghi-ta trên tường, họ đàn họ hát, họ đánh bài “đô-mi-nô”, v.v… và họ chúi mũi vào những cuốn tiểu thuyết dâm ô, đồi trụy …

Lúc đêm về, khu vực này lại càng mờ ảo hơn với vô số chiếc đèn lồng lấp lánh, trông vào như một thư “bến Tầm Dương.” Dưới ánh sáng thiêu thân này, chủ và khách thì thầm tâm sự, mặc cả…

Chủ quán lại còn là một số người mang danh nghệ sĩ, là văn sĩ, là trí thức, tự chọn vị trí đứng bên lề “nhìn thế sự.”  Họ mở quán để làm nơi tập họp những bè bạn cùng “quan điểm.” Chính những nơi này, những “chính trị gia xa lông” ấy đã turng những luận điệu bêu riếu, xuyên tạc chính quyền cách mạng.

Chủ là thế.  Còn khách của “cà phê đô” là hạng thế nào? Khách ở đây là một số thanh niên, thiếu niên trước kia sống cuộc đời “hiện sinh” lêu lồng chơi bời, bỏ phí tuổi xanh trong các cuộc vui chơi phủ phiếm sa đọa.  Nhìn lướt qua đám khách này, ta nhớ ngay đến những cô cậu “nhạc trẻ sở thú” đời Mỹ ngụy, tóc tai, ăn mặc chẳng còn ra người hay ngợm, gái hay trai…



Đúng như điều mong muốn của đa số phụ huynh sinh viên, học sinh và bà con lương thiện, chính quyền cách mạng đã phát động chiến dịch “trật tự an ninh, làm sạch thành phố” từ ngày 15-8-1975.


nguồn: Hà Dương Ngân "Cà phê ôm," Giải phóng (bộ mới) 24 tháng 8 1975, tr. 4.


Như thế đấy:
Để cho quán có vẻ nên thơ mộng mị, họ thi nhau hát những bản nhạc đồi trụy, lai căng của chế độ cũ, họ treo lủng lẳng những cây đàn ghi-ta trên tường, họ đàn họ hát, họ đánh bài “đô-mi-nô”, v.v… và họ chúi mũi vào những cuốn tiểu thuyết dâm ô, đồi trụy …
Làm sao mà không hay?  Đồi trụy chỉ có nghĩa là đề cập đến cặp tình nhân.  Lai căng có nghĩa là có tiếng xập xình của nhịp điệu Cuba xã hội chủ nghĩa.

2 nhận xét:

dungNobita nói...

Bạn thân mến,
Bạn có thể giúp tôi "nguồn" của bài báo Giải phóng về "cà phê ôm, bia ôm" này. Bằng một hình chụp cũng được, có các chữ "bia ôm, cà phê ôm". Vì tôi cứ nghĩ những từ ngữ này chỉ xuất hiện sau thời gian "đổi mới" ở Việt Nam.

Cảm ơn bạn rất nhiều

tây bụi nói...

Gửi bản chụp cho bạn như thế nào? Theo địa chỉ email nào?